Theo dòng chảy của lịch sử, cà phê đã có hơn 100 năm du nhập vào đời sống người dân Việt. Theo năm tháng, cà phê vẫn mang giá trị như là một đặc sản và vẫn hiện diện trong cuộc sống người Việt dù đã có những bước tự chuyển mình đáng kể, tạo nên văn hoá cà phê đặc trưng xưa và nay với xu hướng phát triển cùng làn sóng cà phê thứ 3 ngày một mạnh mẽ, gắn liền với chất lượng cà phê ngày một nâng cao.
- Văn hoá cà phê truyền thống
- Văn hoá cà phê du nhập
- Văn hoá cà phê chất lượng
VĂN HOÁ CÀ PHÊ TRUYỀN THỐNG
Việt Nam nổi tiếng với văn hoá đường phố đặc trưng không lẫn vào đâu được với cách thưởng thức cà phê thú vị, bình dân mộc mạc, được nhiều “tín đồ cà phê” lựa chọn.
Gắn liền với văn hoá cà phê đường phố là Cà phê phin cùng hương vị đen, đặc, đậm, đắng truyền thống, ngồi ngắm nhìn những giọt đắng nhỏ chậm rãi và chờ đợi thưởng thức dường như là thú vui của dân ghiền cà phê.
Cà phê Việt Nam là thức uống để chậm rãi “chiêm nghiệm”. Uống một ly cà phê, người ta có thể mất từ 30 phút đến… 1 giờ đồng hồ hoặc hơn. Đơn giản là phải mất từ 10 đến 15 phút chờ cà phê phin “nhỏ giọt”, rồi chậm rãi ngồi trò chuyện cùng nhau. Người Việt uống cà phê là để thưởng thức, chứ hiếm khi uống vội, chính vì thế mà hương vị cũng được cảm nhận rõ ràng hơn rất nhiều.
Những giọt cà phê được lọc qua bằng phin đều là những giọt cà phê đậm đặc nhất, chứa hết mọi tinh tuý của hạt cà phê, không bỏ sót gì. Cà phê sữa Việt Nam đậm từ cà phê đến sữa, bởi do sử dụng sữa đặc. Nhiều người uống cà phê đậm không quen có thể “ngất ngư” vì say cà phê, nhưng sau khi “tỉnh táo” lại thì không ai không công nhận sự độc đáo và hấp dẫn của món uống này.
Tuy nhiên, theo thói quen tiêu dùng truyền thống, cà phê thường được rang ở mức đắng đậm, tẩm thêm một số nguyên liệu khác như bơ, đậu nành, bắp,… để tăng thêm hương vị cho cà phê. Nhưng ngày nay, xu hướng cà phê tẩm đang ngày một thoái trào vì những ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ từ nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc cũng như một số bộ phận chạy theo lợi nhuận nên tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.
VĂN HOÁ CÀ PHÊ DU NHẬP
Cuộc sống ngày càng hiện đại và năng động hơn, với sự phát triển du lịch, sự hiện đại hoá của giới trẻ nên những dòng cà phê hiện đại lên ngôi. Cà phê pha máy cùng với cà phê take away nhanh gọn, tiện lợi cùng hương vị cà phê nhẹ nhàng hơn, dần chiếm cảm tình của những người thích uống cà phê trong guồng quay công việc đầy bận rộn.
Đi cùng văn hoá cà phê du nhập là cà phê rang mộc, nguyên chất dần chiếm chỗ cà phê tẩm.
Những hạt cà phê được rang ở mức vừa phải, không tẩm ướp khiến người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng cà phê.
VĂN HOÁ CÀ PHÊ CHẤT LƯỢNG
Mức sống ngày một nâng cao, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, nhu cầu đổi mới của thị trường, yêu cầu chất lượng cũng như gu thưởng thức khó tính hơn.
Các nhà trồng, thu hái, chế biến, rang xay cà phê cũng phải thay đổi tiêu chí để đáp ứng. Nhờ ý thức về sức khỏe nâng cao. Người Việt dần thay cách làm cà phê cũ bằng kiểu mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Khái niệm cà phê chất lượng cao và cà phê Specialty ra đời đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo hương vị tự nhiên và nguyên bản của cà phê.
Cà phê Đặc sản Chất Lượng Cao được kiểm soát chặt chẽ các quy trình từ vùng trồng đến nhà máy sản xuất rang xay cho đếntay của người tiêu dùng, sàn lọc kỹ càng để không còn lẫn tạp chất tạp vị bằng công nghệ máy móc hiện đại cùng công thức phối trộn các loại cà phê chất lượng để cân bằng hương vị, đảm bảo gu của Người Tiêu Dùng.
Cà phê Specialty là đặc sản đặc trưng hương vị theo vùng miền, được chấm điểm theo thang điểm của SCA và đáp ứng những trải nghiệm mới với nhiều phương pháp và dụng cụ pha chế khác nhau của dân sành cà phê.
Hoà cùng làn sóng cà phê thế giới, văn hoá cà phê Việt Nam vẫn không ngừng phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.